Nghệ thuật điêu khắc trong Phật giáo qua các thời kỳ
Ngày đăng: 16-03-2020 11:05:14 | Lượt xem: 481

Nghệ thuật điêu khắc trong Phật giáo qua các thời kỳ

Từ thời cổ đại, nhiều tôn giáo lớn đã biết sử dụng sức mạnh của Hội Họa, Điêu Khắc như một phương tiện để phát triển đạo giáo và tín ngưỡng của mình. Hơn nữa, những tác phẩm mỹ thuật, dù dưới hình thức nào đi nữa, cũng diễn tả được rất nhiều điều mà người thuyết giảng không thể nói. Nhiều triết gia cho rằng: “Một bức tranh bằng ngàn lời nói!” Ngoài việc diễn tả nội dung muốn diễn đạt một cách thầm lặng mà lại chuyên sâu, mỹ thuật còn là những trang sử để người đời sau, chỉ nhìn vào cũng hiểu được những sinh hoạt của tôn giáo của người đời trước. Trong các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, La Mã, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tại các nền văn minh hay tôn giáo đã bị tuyệt diệt tại các Châu lục khác, những bức tranh khắc chạm trên mọi phương tiện sinh hoạt còn tìm thấy trong các đền thờ đã thay cho người tường trình để kể cho nhân loại biết những tập tục tôn giáo đã diễn ra trong thời xưa ấy.

Tại Ấn Độ, nghệ thuật điêu khắc và hội họa thuộc về Phật Giáo đã phát triển sau thời Đức Thế Tôn hạ sinh không lâu. Vì thế, mà chúng sinh mới hiểu thấu rõ hơn các sinh hoạt của Đức Phật. Dĩ nhiên, những pho tượng điêu khắc hay những bức tranh vẽ từ thời xa xưa ấy còn đơn giản, chưa có cầu kỳ và tinh xảo như những thế kỷ sau này. Sau khi đạo Phật phát triển sang Trung Hoa và các nước Á Châu khác như Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt các nước Trung Á, thì hình ảnh về Phật Giáo có thay đổi tùy theo óc sáng tạo của các điêu khắc gia hay các họa sĩ và cũng tùy theo văn hóa và văn minh của mỗi nước. Khi đạo Phật được truyền bá sang Việt Nam, thì các công trình điêu khắc của các quốc gia đó cũng theo sau. Nhưng thời ấy, vì trình độ thưởng thức nghệ thuật còn thấp cũng như những điều luật của Đạo Phật hồi đó còn chưa thông tỏ, cho nên các tác phẩm đầu tiên về đạo Phật tại Việt Nam chỉ là những tác phẩm Phi thánh Tượng, nghĩa là chưa có hình người, mà chỉ là những công trình điêu khắc giản lược mang tính ẩn dụ như hoa sen, bánh xe luân hồi mà thôi.

Sang đến đời nhà Lý, nhà Trần thì Phật Giáo thịnh hành. Từ đó, các điêu khắc hình Đức Phật và các loại hình như lá bồ đề, hoa sen, hay các vũ nữ uốn mình theo kiểu Ấn độ, kiểu Trung Hoa cũng như các họa tiết Rồng, Tiên được phổ biến rộng rãi và đa số các chùa chiền, đình thờ đều có hình rồng ngậm ngọc trên nóc.

Qua thời nhà Lê, thì Phật Giáo đã lan truyền ra gần như cả nước. Nghệ thuật điêu khắc cũng từng bước mà phát triển theo. Những họa tiết hình lưỡi lửa, long phụng chầu ngọc được khắc họa khắp nơi. Từ đó mà những tượng Phật theo văn hóa Việt Nam đích thực được đúc, nặn, hoặc chạm trên gỗ bắt đầu được thiết trí trong các chùa chiền. Một trong những tượng Phật nổi tiếng thế kỷ thứ 11 là tượng Phật A di Đà tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh được điêu khắc năm 1057 mang dáng vẻ Việt Nam nhiều hơn là dáng vẻ Ấn độ hay Trung Hoa.

Vào thế kỷ 15, ba pho tượng Tam Thế tại Chùa Ngọc Khám, Bắc Ninh đã được thực hiện rất công phu bằng những bàn tay nghệ nhân Việt Nam. Sau đó, đến thế kỷ 17,18, thì tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, hồi đó còn được gọi tên bằng tượng ông Bụt có tóc xoắn ốc, được chạm khắc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, vào thế kỷ 17, 18 rất tinh xảo. Nét mặt Đức Thế Tôn khi nhập Niết Bàn thể hiện lên một sắc thái vô cùng đặc biệt, Ngài mang một nụ cười hoàn toàn thoát tục, siêu nhiên, khó tả bằng lời trong một khuôn mặt hoàn toàn Việt Nam, không ảnh hưởng nét văn hóa Trung Hoa mấy.

Qua thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đời sống ly loạn, nhân dân ta thán, thì bỗng xuất hiện những tượng điêu khắc Bồ Tát Quan Thế Âm. Những tượng này được làm dưới nhiều dạng: Quan Âm Thị Giả, Quan Âm Vô úy, Quan Ấm Tống tử, Quan Nam tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, rồi Quan Âm Thiên Thủ, Thiên nhãn (ngàn tay, ngàn mắt).

Năm 1959, Việt Nam tham dự đại hội Phật Giáo tại Ấn Độ, mang theo bản tượng thạch cao khắc hình đức Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, phỏng theo tượng chính tại chùa Bút Tháp, được thế giới thưởng lãm nhiệt liệt. Rồi cứ thế, theo đà tiến triển của đất nước, nhiều tác phẩm điêu khắc về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quán Thế Âm và các đệ tử được các nhà điêu khắc Việt Nam đúc và sáng tạo bằng nhiều vật liệu khác nhau, cho đến ngày hôm nay, tinh thần sáng tạo của các điêu khắc gia Việt Nam đã tiến triển vô cùng huy hoàng.

Bí ẩn vũ điệu Mandala của Phật giáo Kim cương thừa
Thời gian đăng : 16-03-2020 04:13:08 | Lượt xem: 537
Đức Phật hoá hiện thành những Phật bản tôn mang Pháp tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những chư vị Phật bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của Đức Phật. 
Ý nghĩa biểu tượng trong nghệ thuật hội họa Phật giáo
Thời gian đăng : 16-03-2020 11:19:09 | Lượt xem: 997
Thông thường, các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo chủ yếu tái hiện lại nội dung của kinh điển. Hội họa Phật giáo thời kỳ đầu thường mô tả lại cuộc đời Đức Phật, nội dung của các bộ kinh và các câu chuyện tiền thân Đức Phật. Bối cảnh và nhân vật trong các tác phẩm nghệ thuật được khắc họa theo quan kiến của đạo Phật tùy thuộc vào truyền thống của từng địa phương. Vì vậy, bước đầu tiên để khảo cứu và phân tích một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo là xác định nguồn gốc của bức họa đó.